Về lần đầu tiên tham gia Tham gia cuộc thi hưởng ứng Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất (Global Natural History Day – GNHD) của đoàn Việt Nam tại Thượng Hải từ 22/7 đến 27/7 năm 2016, trải nghiệm từ một giáo viên dẫn đoàn :

1. Về cuộc thi khoa học Global Natural History Day – GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất)
Cuộc thi khoa học Global Natural History Day – GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất) là cuộc thi do Quỹ Giáo dục toàn cầu Behring (Behring Global Education Foundation) hỗ trợ tổ chức hàng năm.  Cuộc thi này là một phần trong Chương trình Giáo dục Lãnh đạo toàn cầu được thiết kế dành cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, nhằm thu hút và khuyến khích những học sinh có niềm đam mê với khoa học và muốn tham gia các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu. Học sinh tham gia cuộc thi sẽ có cơ hội được trải nghiệm quốc tế với các phương pháp nghiên cứu khoa học thông qua các dự án nghiên cứu của các em. Cuộc thi cũng giúp học sinh xây dựng tình hữu nghị lâu dài với các bạn cùng trang lứa đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những bạn đều có chung đam mê khoa học và ý thức bảo tồn thiên nhiên. Tham gia cuộc thi này không chỉ đơn thuần là giúp các em có khả năng tiến hành nghiên cứu khoa học mà còn xây dựng các năng lực cần thiết khác cho học sinh, giúp các em có tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu độc lập, tính sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, và nâng cao nhận thức và được trải nghiệm về các nền văn hóa khác nhau.

Cuộc thi GNHD đã được tổ chức rộng rãi ở các nước Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hongkong, Singapore …. Sau mỗi năm tổ chức, số lượng học sinh và các quốc gia đăng ký tham gia càng tăng. Vòng chung kết hàng năm được tổ chức ở Trung Quốc. Những cuộc thi hàng năm này đều được các nước đánh giá cao (ví dụ: năm 2015, chủ tịch Hun Sen của Campuchia đã gặp gỡ và tuyên dương các thí sinh tham gia cuộc thi chung kết toàn cầu ngay sau khi các em trở về).

Năm nay là năm thứ năm, cuộc thi chung kết toàn cầu GNHD được tổ chức ở Thượng Hải từ 22-27 tháng 7 năm 2016, do Bảo tàng Lịch sử Thiên Nhiên Thượng Hải đăng cai. Cuộc thi có sự tham gia của 98 đội học sinh đến từ 10 nước: Trung Quốc, Mỹ, Hồng Công, Thái Lan, Myanmar, Philipine, Hawaii, Lào, Cam Pu Chia, Việt Nam.

Học sinh đăng kí tham gia xác định chủ đề nghiên cứu dựa trên chủ đề chung cho trước của mỗi cuộc thi, sau đó tiến hành các bước nghiên cứu cụ thể do chính các em tiến hành, với sự hỗ trợ của thầy cô, phụ huynh và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Chủ đề cuộc thi hàng năm thường rất rộng nhằm khuyến khích tính sáng tạo, khám phá, và trí tưởng tượng của các em học sinh, chủ để cuộc thi năm 2016 là: Mối quan hệ trong thiên nhiên.

Quy định của cuộc thi: 
Mỗi đội có hai bạn tham gia và cần có một người hướng dẫn (từ thầy cô, các nhà nghiên cứu hoặc cha mẹ). Hình thức trình bày các dự án nghiên cứu của các em, có thể lựa chọn là trưng bày (exhibit) hoặc trình diễn (performance). Năm nay cuộc thi quốc tế có 98 đội tham gia, trong đó 90 đội đăng ký hình thức triển lãm (exhibit) và 8 đội đăng ký hình thức biểu diễn (performance).

Để lựa chọn thí sinh tham gia cuộc thi chung kết toàn cầu, Quỹ Giáo dục Toàn cầu Behring đã hợp tác với các cơ quan tại các nước tham gia (ví dụ: Bộ Giáo dục Đào tạo, các bảo tàng thiên nhiên , các cơ quan khoa học, các tổ chức phi chính phủ, các vườn quốc gia hay khu bảo tồn ….) tổ chức các cuộc thi cấp trường, cấp vùng và quốc gia. Những em đạt giải ở các cuộc thi đó sẽ đăng ký tham gia vòng chung kết toàn cầu.

Sau khi tuyển chọn từ các quốc gia (cấp trường, cấp vùng), các quốc gia thông qua cơ quan đầu mối sẽ gửi các danh sách nhóm, ý tưởng và dự kiến kết quả, phương pháp tiến hành cho Ban tổ chức. Khi Ban tổ chức đã thông qua các đề tài nghiên cứu, các nhóm được thông qua sẽ được hướng dẫn đăng ký trực tuyến và nộp bản báo cáo nghiên cứu sơ bộ (written material) lên trang trực tuyến của chương trình. Thông tin cụ thể về quy định và yêu cầu của cuộc thi có trên trang web:   www.gnhd.international . Tất cả bài làm của học sinh đều theo các chỉ dẫn và quy định cụ thể của chương trình.

Nhìn chung các nước tham gia đều rất quan tâm và đánh giá cao cuộc thi này vì qua các cuộc thi cả giáo viên và học sinh có cơ hội học hỏi và giao lưu. Các nước đều cam kết và tổ chức cuộc thi vùng nghiêm túc và bài bản để chọn ra các đội đi thi chung kết toàn cầu. Nhìn chung các đội thi đến từ các nước đều mạnh cả về chủ đề nghiên cứu và kỹ năng trình bày của học sinh (trừ một số đội từ Lào tiếng Anh hơi yếu hơn các đội vì các đội thi đến từ các tỉnh khác nhau). Mỗi nước được cấp học bổng cho 1-2 nhóm thi, các nhóm còn lại hoặc được nhà trường hỗ trợ (ví dụ Hongkong) hoặc tự cha mẹ trang trải. Đa số các trường hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho giáo viên vì họ coi đây là cơ hội  học hỏi cho giáo viên (Hongkong). Có nước thì xin được nguồn hỗ trợ từ các tổ chức Phi chính phủ để trang trải một phần chi phí (ví dụ Myanmar).

2. Quá trình chuẩn bị và đăng ký tham gia cuộc thi tại Việt Nam (15 tháng 4 đến 20 tháng 7, 2016)

Để có thể tổ chức, tuyển chọn đội thi cũng như lên kế hoạch chuẩn bị, BGH thông báo đến toàn thể các em học sinh yêu thích nghiên cứu khoa học, có khả năng giao tiếp và trình bày tiếng Anh tốt, có ý tưởng nghiên cứu đăng kí tham gia vòng sơ tuyển tại trường. Hai trường đã lập kế hoạch trình Viện KHGD Việt Nam và Bộ GD&ĐT.

Kế hoạch cụ thể đã tiến hành:
- Ngày 15/4 thông báo cuộc thi đến toàn bộ học sinh tại hai trường
- Ngày 19/4 học sinh đăng kí tham gia với GVCN và nhận mẫu đăng kí tại VP.
- Từ  25-29/4 học sinh nộp báo cáo về tên chủ đề nghiên cứu, các thông tin theo mẫu (Họ tên thành viên của đội, tên người hướng dẫn, kế hoạch dự kiến);
- Ngày 29/4 Thuyết trình ngắn gọn bằng tiếng Anh cho hội đồng tuyển chọn.
- Sau đó các nhóm được lựa chọn gửi ban tổ chức.
- Từ 15 tháng 6, sau khi Ban tổ chức trả lời chọn ba đội từ Việt Nam, Trường và các đơn vị phối hợp đã hỗ trợ các nhóm nghiên cứu và chuẩn bị cho cuộc thi.
Hội đồng tuyển chọn gồm có:
- Đại diện hai nhà trường
- Đại diện Viện KHGD VN
- Đại diện Trung tâm Giáo dục và phát triển - CED
- Đại diện Bảo tàng thiên nhiên, Viện hàn lâm KHCN

Sau khi tuyển chọn được 3 đội tham gia, trường đã trực tiếp đăng kí tham gia sau khi có sự giới thiệu từ Bộ GD&ĐT.


Tên học sinh Giáo viên hướng dẫn Chủ đề và nội dung nghiên cứu Cơ quan hỗ trợ
Nhóm 1:
Nguyễn Vũ Bình An và Đinh Trọng Hòa 7C – trường THCS Thực Nghiệm Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Sự gia tăng đột biến của côn trùng tại Vườn Quốc gia Ba Vì trong những năm gần đây (Lý do tại sao côn trùng, đặc biệt những loài côn trùng có hại lại gia tăng trong những năm gần đây, ảnh hưởng của sự gia tăng các loài côn trùng có hại lên sức khỏe con người, những giải pháp để duy trì cân bằng trong thiên nhiên – giảm các loài côn trùng có hại và duy trì các loài côn trùng có ích, quý hiếm …) Vườn Quốc Gia Ba Vì, Trung tâm Giáo dục và Phát triển - CED
Nhóm 2:
Đặng Vũ Minh 9A và Đào Nhật Minh 8A trường THCS Thực Nghiệm Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Bảo tồn loài Vooc Chà Vá chân Nâu tại Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (Giá trị của loài vooc với đa dạng sinh học, môi trường, và nghiên cứu khoa học, những nguy cơ hiện nay đối với loài Vooc ở Bán đảo Sơn Trà do con người và phát triển du lịch gây ra, học sinh có thể làm gì để bảo vệ các loài có nguye cơ tuyệt chủng như Chà Vá Chân nâu …)   Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt (Greenviet) và Trung tâm Giáo dục và Phát triển – CED
Nhóm 3:
Từ Việt Thảo và Đỗ Ngân Hà, 10B trường THPT Thực Nghiệm Nguyễn Đức Toàn, giáo viên Virus Zika và biện pháp phòng chống từ tự nhiên (Tác dụng xua muỗi từ tinh dầu sả, công thức chiết xuất tinh dầu sả tại nhà, giá rẻ, an toàn cho người sử dụng và đảm bảo môi trường) Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam; Trung tâm Giáo dục và Phát triển - CED

Trường THCS và THPT Thực Nghiệm có trách nhiệm chính trong việc quản lý tiến độ, hướng dẫn học sinh cũng như chủ động kết nối đăng kí trên trang web và báo cáo tiến độ về Viện KHGD Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Vườn Quốc gia Ba Vì, GreenViet) cũng cử cán bộ tham gia và hỗ trợ các em trong quá trình nghiên cứu để đảm bảo các em tiến hành nghiên cứu khoa học với các số liệu và thông tin chính xác về mặt khoa học. Cụ thể, các nhóm đã nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của các cơ quan sau:

- Nhóm 1: có sự hỗ trợ của Vườn quốc Gia Ba Vì (phỏng vấn kiểm lâm, hướng dẫn đi thực địa tại vườn quốc gia …)
- Nhóm 2: có sự hỗ trợ của Greenviet  (phỏng vấn chuyên gia, số liệu nghiên cứu về vooc chà vá chân nâu, hướng dẫn đi thực địa, nghiên cứu tại hiện trường …)
- Nhóm 3: Có sự hỗ trợ từ Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam (phương pháp nghiên cứu, thực hành, thí nghiệm ….)
Ngoài ra, Trung tâm giáo Dục và Phát triển (CED) cũng hỗ trợ các nhóm về kỹ năng trình bày, thể hiện cũng như giúp các em nắm rõ các yêu cầu chặt chẽ của cuộc thi.

3. Tham gia cuộc thi tại Thương Hải: ngày 21-27 tháng 7 năm 2016 

Chương trình diễn ra trong 5 ngày với lịch trình chi tiết và cụ thể ( chương trình kèm theo).
Ngày 1: Các thí sinh đến nơi, đăng ký và nhận địa điểm triển lãm, lắp đặt và chuẩn bị cho cuộc thi ngày hôm sau. Tất cả các phần lắp đặt đều do thí sinh tự làm.
Đoàn VN đăng ký tham gia cuộc thi
Học sinh tự lắp đặt phần trình bầy

Ngày 2: Tham gia thi, thuyết trình và hỏi đáp với các thí sinh chọn hình thức thể hiện thông qua triển lãm và trưng bày (exhibit). Dưới đây là một số hình ảnh và chú thích về cuộc thi.

Chủ tịch, sáng lập Quỹ Giáo dục toàn cầu Behring tham dự một số phần thi của học sinh
Ban giám khảo quốc tế gồm 24 thành viên đến từ nhiều nước và chia làm 6 nhóm
Mỗi đội gồm hai thí sinh. Mỗi phần thi tối đa 20 phút cả trình bầy và trả lời
Mỗi đội có 5-8 phút đề trình bày và 5-8 phút để trả lời các câu hỏi của ban giám khảo gồm các chuyên gia quốc tế
Cả ba đội Việt Nam đều chọn hình thức thể hiện triển lãm (exhibits) - trên hình là phần triển lãm của nhóm THCS Thực Nghiệm
Cuộc thi quốc tế có 98 đội, 90 đội chọn trình bày triển lãm exhibit, 8 đội trình bày qua biểu diễn (peformance). Trên ảnh là đội đến từ Hawaii với phần biểu diễn của mình
Ngày 3, Tham quan : Trong lúc chờ đợi ban giám khảo và ban tổ chức chấm phần biểu diễn và tổng hợp kết quả đánh giá của các đội thi ngày hôm trước. Ban tổ chức bố trí các hoạt động tham quan, học tập cho các thí sinh từ các nước. Đi thăm bảo tàng khoa học và bảo tàng thiên nhiên , buổi chiều giao lưu và trao đổi văn hóa.
Thăm quan khu phố cổ Thượng Hải
Hình ảnh đêm giao lưu văn hóa quốc tế
Ngày 4: Các hoạt động trao đổi và thăm quan sau đó học sinh thu dọn các phần trưng bày
Trao đổi, thăm quan
Chụp ảnh lưu niệm trước gian trưng bày của mình
Ngày 5: Tham quan bảo tàng Mỹ thuật và tham dự lễ trao giải
Đoàn Việt Nam tại bảo tàng nghệ thuật Thượng Hải
Đoàn Việt Nam trong lễ trao giải
Ngày 6: Quay về Việt Nam

Ngoài ra chương trình cũng có hoạt động để các đội giao lưu và trao đổi văn hóa, quà lưu niệm từ các nước. Toàn bộ chương trình sắp xếp khá hợp lý và các hoạt động trong chương trình phong phú, hấp dẫn với học sinh. Ban tổ chức cũng khá linh hoạt để thay đổi và điều chỉnh chương trình. Do thời tiết khá nắng nóng nên một số hoạt động giảm bớt hoặc cắt ngắn để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Do chương trình rất động người tham gia, trên 200 người tính cả thầy cô giáo và cha mẹ đi cùng, nên mặc dù ban tổ chức huy động rất nhiều tình nguyên viên tham gia, nhưng các đoàn từ các nước đều rất chủ động trong việc quản lý học sinh và tham dự các hoạt động đảm bảo giờ giấc (vì hầu hết các đội đều có giáo viên hướng dẫn đi cùng). Việc tổ chức chương trình ở Thượng Hải khá là tốt. Địa điểm tổ chức triển lãm và các hoạt động tại bảo tàng Khoa học Kỹ thuật Thượng Hải, là bảo tàng lớn thứ 8 thế giới và hiện đại, xứng tầm với cuộc thi khoa học toàn cầu. Chương trình thăm quan cũng sắp xếp hợp lý và mang ý nghĩa giáo dục (thăm khu phố cổ, bảo tàng Lịch Sử Thiên Nhiên, bảo tàng Mỹ Thuật).

Toàn bộ ảnh hoạt động của chương trình xin xem tại đường link dưới đây:

https://www.facebook.com/gnhdinternational/?pnref=lhc

4. Kết quả cuộc thi và đánh giá từ Ban giám khảo và ban tổ chức về sự tham gia của Việt Nam 

Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam được mời tham gia cuộc thi, nhưng do có sự chuẩn bị tốt, có sự hỗ trợ của các cơ quan khoa học, cùng với sự tham gia tích cực và chủ động của các em học sinh và các thầy cô giáo, các đội của Việt Nam đã có kết quả rất tốt: đội của THPT Thực nghiệm giành huy chương vàng, hai đội của THCS Thực nghiệm giành một huy chương vàng và một huy chương đồng.

Cuộc thi này không chỉ đánh giá về chủ đề nghiên cứu khoa học cụ thể của các em mà ban giám khảo đánh giá cao hơn về sự quan tâm của học sinh đối với những vấn đề lớn hơn (ví dụ: những nghiên cứu của  các em có ý nghĩa gì trong thực tế, những sáng kiến mà các em đã đưa ra trong quá trình nghiên cứu, những người khác có thể học hỏi được gì từ nghiên cứu của các em, những vấn đề các em học được qua nghiên cứu có ảnh hưởng gì đối với các em cũng như đối với cả xã hội ….).

Ban giám khảo đánh giá cao những thí sinh có cái nhìn rộng hơn về những vấn đề các em nghiên cứu và những vấn đề các em nghiên cứu có thể góp phần giải quyết được những vấn đề lớn và phức tạp và xã hội đang đương đầu, cũng như những em chứng tỏ được khả năng lãnh đạo để có thể góp phần giải quyết được những vấn đề cụ thể mà các em quan tâm và nghiên cứu. Khả năng trình bày của các em trong phần thi cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để ban giám khảo đánh giá.

Hai đề tài của Việt Nam được đánh giá cao là nhóm tinh dầu sả đuổi muỗi và nhóm bảo tồn loài vooc chà vá chân nâu ở Sơn Trà.

Nhóm chiết xuất tinh dầu sả, đã đưa ra được một giải pháp rất có ích và đáp ứng được rất nhiều mối quan tâm chung hiện nay của nhiều nước trên thế giới (ngăn chặn muỗi truyền bệnh cho người, sử dụng các chế phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu địa phương là cây sả rất phổ biến ở các nước Châu Á, và các hướng dẫn để có thể làm tại nhà nên người có thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận).

Đề tài bảo tồn loài Vooc chà vá chân nâu, là một trong những loài linh trưởng đẹp nhất hành tinh và chỉ phát hiện ở ba nước Đông Dương (Việt nam, Lào, và Cam Pu Chia) và cho đến nay số lượng tìm thấy nhiều nhất ở bán đảo Sơn Trà ở Việt Nam. Nghiên cứu của các em cho thấy, mặc dù đây là một loài quý hiếm, nhưng hiện nay vẫn ít người biết đến và quan tâm (ngay cả những người sống tại Đà Nẵng và gần bán đảo Sơn Trà). Hiện nay loài nay vẫn đang đối diện với nhiều nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và giảm sút nghiêm trọng (nạn phá rừng ở bán đảo Sơn Trà gần đây, phát triển du lịch ồ ạt, thói quen tiêu thụ động vật hoang dã, săn bắt nấu cao ….). Đặc biệt phần trình bày của các em nêu rõ vài trò của học sinh, thanh thiếu niên trong những hoạt động bảo môi trường và đưa ra những hướng cụ thể để có thể bảo tồn được loài Vooc chà vá chân nâu (tham gia tình nguyện và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ làm về bảo tồn, giúp các tổ chức gây quỹ bảo tồn, nâng cao nhận thức về loài linh trưởng quý hiếm này ….).

Đề tài côn trùng cũng được đánh giá là sáng tạo, các học sinh tham gia dự án nghiên cứu này say mê và thực sự tiến hành các bước nghiên cứu bài bản. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đưa ra được các giải pháp khả thi vì vậy, nhóm này giành được huy chương đồng.

5. Thành quả và nhận xét

Đây là một cuộc thi rất hay, có ý nghĩa lớn về môi trường và thiên nhiên, và học sinh tham gia học được rất nhiều kỹ năng:

- Kỹ năng nghiên cứu và làm việc độc lập: Với sự hướng dẫn của thầy cô và các chuyên gia, các em phải tự lên kế hoạch và hoàn thành các yêu cầu và công việc được giao theo thời hạn của ban tổ chức.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Các em phải làm việc cùng nhau và thống nhất trong suốt qua trình nghiên cứu, trình bày …
- Kỹ năng tổng hợp: Qua trình nghiên cứu, làm báo cáo và chuẩn bị nội dung thuyết trình giúp các em biết cách thu thập thông tin, lược khảo tài liệu, tổng hợp, phân loại, phân tích thông tin thu thập được và cuối cùng là tóm tắt kết quả nghiên cứu và trình bày một cách dễ hiểu nhất với công chúng thông qua phần thi và triển lãm.
- Tính sáng tạo: Cách chọn và thể hiện trình bày của các em (phần exhibit) để tham gia dự thi giúp các em có ý tưởng sáng tạo. Nhiều phần thi của các bạn các nước khác còn thể hiện cả tính nghệ thuật và áp dụng các công nghệ để thể hiện kết quả nghiên cứu một cách rất sáng tạo và thu hút.
- Kỹ năng giao tiếp: Cả quá trình nghiên cứu và đến cuộc thi, kỹ năng giao tiếp và trình bày trước công chúng của các em được cải thiện (liên hệ, phỏng vấn, thuyết trình …)
- Tính trách nhiệm và các kỹ năng khác: Mặc dù trong lúc chuẩn bị và quá trình nghiên cứu có sự hỗ trợ hướng dẫn của thầy cô và/hoặc cha mẹ, nhưng theo quy định của Ban tổ chức thì khi lắp đặt các quầy triển làm các thí sinh đều phải tự làm, và những hoạt động này cũng trang bị cho học sinh rất nhiều kỹ năng và giúp các em chủ động hơn trong các công việc mà các em tham gia.

Năm nay là năm đầu tiên tham gia nên thực sự số học sinh tham gia cuộc thi từ Việt Nam còn ít. Hơn nữa, cuộc thi năm nay có sự hỗ trợ rất nhiều từ các cơ quan liên quan từ gợi ý đề tài và hỗ trợ nghiên cứu. Chủ đề nghiên cứu của các nhóm tham gia dự thi đều có sự gợi ý và hỗ trợ của tổ chức chuyên môn trong quá trình thực hiện. Chính vì thế, để duy trì những thành tích này ở các năm tiếp theo cũng là thử thách vì thực sự phần thi và kỹ năng của các nước tham gia rất tốt. Kỹ năng trình bày của các nước khách cũng rất tốt (ví dụ: Mỹ và Hongkong). Những nước còn nghèo như Myanmar cũng có kỹ năng trình bày tiếng Anh khá tốt, vì thế việc chọn đề tài độc đáo, ứng dụng thực tiễn, và góp phần giải quyết những vấn đề lớn hiện nay thường được đánh giá cao.

Cuộc thi năm nay, có 12 đội tham gia triển lãm (exhibits) và 2 đội biểu diễn (performance) được huy chương vàng, 18 đội exhibits và hai đội biểu diễn được huy chương bạc, và tất cả các đội lọt vào vòng chung kết đều được nhận huy chương đồng.

Tóm lại, đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, học sinh tham gia được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và công việc của các em sau này. Các giáo viên hướng dẫn thấy sự tiến bộ rõ rệt trong quá trình học sinh tham gia nghiên cứu và tham gia cuộc thi. Các thầy cô giáo tham gia cuộc thi đến từ các nước khác cũng khẳng định, không chỉ học sinh được học hỏi và trang bị kỹ năng mà chính bản thân các thầy cô cũng học hỏi và nâng cao kỹ năng rất nhiều qua các cuộc thi (được mở mang kiến thức từ các nghiên cứu của các em, từ các nhà khoa học hỗ trợ, và có thêm các ý tưởng mới thông qua mỗi cuộc thi).

Đặc biệt, những hoạt động này giúp học sinh hứng thú với việc nghiên cứu và học hỏi và có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng thực tế (được làm việc với các nhà khoa học, được nghiên cứu các vấn đề từ thực tế cuộc sống và môi trường xung quanh…). Chính vì thế, trường THCS và THPT Thực Nghiệm mong muốn sẽ tiếp tục tham gia chương trình này trong các năm sau và mong rằng Bộ GD&ĐT mở rộng cơ hội cho thêm nhiều trường và học sinh tham gia bằng hình thức tổ chức các cuộc thi cấp trường, cấp vùng để chọn ra các thí sinh tham dự cuộc thi toàn cầu. Bên cạnh đó Bộ cũng cần phối hợp, hỗ trợ và giúp các nhà trường kết nối với các cơ quan, đơn vị khác để có thể hỗ trợ học sinh trong quá trình nghiên cứu.


Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2016

Trích từ "BÁO CÁO KẾT QUẢ Tham gia cuộc thi hưởng ứng Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất"  cô Lê Thị Mai Hương, trưởng đoàn, PHT trường THCS Thực Nghiệm

MỘT SỐ TIN, BÀI LIÊN QUAN

BÁO CHÍ


Theo Blog CED

3 comments:

  1. Keep up the great work, I read few blog posts on this site and I conceive that your web blog is real interesting and holds circles of fantastic info. โชคดีบาคาร่า

    ReplyDelete
  2. Your writings and news are really interesting to me. There are numerous advantages to the contents. Thank you so much. My site:: ole777 download

    ReplyDelete

 
Blog CED - Vi © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top