Tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện có liên quan tới tư duy logic và khả năng suy luận. Đây là khả năng chọn lọc
thông tin quan trọng nhất và liên quan nhất tới một vấn đề nào đó. Khả năng này cũng giúp con
người nghĩ ra ý tưởng và tìm cách diễn đạt ý tưởng này một cách thuyết phục, có logic. Tư duy
phản biện giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, sắp xếp thông tin, và giải thích các vấn đề
ngắn gọn và rõ ràng. Ngoài ra, tư duy phản biện cũng giúp con người có định hướng trong công
việc. Ví dụ, khi một mục tiêu được đặt ra, kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp con người sắp xếp
công việc theo mức độ ưu tiên để đạt được mục đích. Nhìn chung, đây là khả năng phát biểu ý
kiến cá nhân một cách sáng tạo và hợp lý, cũng như khả năng sử dụng thông tin nhận được một
cách phù hợp.
source : citcom.eu |
Vai trò của khả năng này ở phương Tây là gì?
Tư duy phản biện là một thành phần quan trọng trong văn hóa phương Tây. Kỹ năng này được
dùng hàng ngày trong các tình huống khác nhau. Trong môi trường làm việc, mọi người được
động viên tự giải quyết các vấn đề, thảo luận các ý kiến với các đồng nghiệp, và hướng dẫn nhau
cách làm việc trong một nhóm.
Tư duy phản biện được dùng trong một số lĩnh vực như kinh tế hoặc giao dịch cổ phiếu. Các nhà
môi giới tư duy để dự đoán diễn biến thị trường và phát triển nền kinh tế. Tương tự, các chính trị
gia và luật sư sử dụng tư duy phản biện để tranh biện và thuyết phục người nghe về những ý
tưởng và kế hoạch của họ.
Tại phương Tây, lĩnh vực phát triển tập trung vào khả năng suy nghĩ độc lập và cách sắp xếp các
ý tưởng, lập luận và mục tiêu theo mức độ ưu tiên của mỗi cá nhân. Khả năng này bắt nguồn từ
nhu cầu giải thích và hợp lý hóa các thông tin nhằm đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng và
hiệu quả nhất.Tư duy phản biện rất cần thiết cho giới làm việc cũng như hệ thống giáo dục tại
phương Tây. Các trường học phát triển kỹ năng này cho trẻ từ rất sớm. Các học sinh được động
viên giải thích vấn đề, bảo vệ quan điểm cá nhân, và tranh biện trong lớp.
Sự phát triển của tư duy phản biện qua các kỹ năng đọc và viết
Đọc và viết là hai kỹ năng quan trọng trong hệ thống giáo dục phương Tây. Các học sinh được
yêu cầu viết các bài văn hoặc báo cáo để bày tỏ quan điểm cá nhân. Ví dụ, các lớp Văn Học hay
Lịch Sử thường có hệ thống PEE (point – nêu ra, evidence – bằng chứng, explain – giải thích).
Nếu một học sinh đặt ra câu hỏi “Vì sao London lại là thành phố tốt nhất?”, câu trả lời theo hệ
thống PEE sẽ là “Thành phố này tốt nhất vì có rất nhiều nhà hàng tại đây!" (quan điểm được nêu).
"Quảng trường Trafalgar có hơn 50 nhà hàng với các phong cách ẩm thực khác nhau" (bằng
chứng). "Vì ẩm thực ở đây rất đa dạng, ai cũng có thể tìm được món phù hợp với khẩu vị của
riêng mình" (giải thích).” Đây chỉ là một ví dụ đơn giản, nhưng những bài tập như thế này rất phổ
biến tại các trường học ở Anh. Đây là cách giúp các học sinh tìm hiểu sâu hơn về cách truyền đạt
thông tin và quan điểm của mình khi viết.
Kỹ năng đọc hiểu liên quan tới việc đọc một tài liệu, chọn ra thông tin quan trọng nhất và giải
thích nó. Chúng ta đọc và tìm hiểu mục đích của tác giả khi viết về chủ đề nào đó. Kỹ năng này
ảnh hưởng tới cách chúng ta đọc các tiểu thuyết hay các bài báo. Để phát triển kỹ năng đọc, các
trường học ở Anh yêu cầu các học sinh diễn tả lại thông tin đã đọc được ở những bài thơ. Ví dụ,
các học sinh sẽ nói về cảm xúc sau khi đọc tác phẩm, và phải chứng minh quan điểm bằng những
ví dụ trong bài. Hơn nữa, ngoài những bài tập trong sách, các học sinh được yêu cầu tìm hiểu và
diễn đạt lại các mẩu thông tin khác nhau mà không sử dụng sự trợ giúp của các học sinh khác.
Như vậy, bằng cách làm việc trên lớp và ở nhà, các học sinh được rèn luyện các kỹ năng đọc và
viết.
Giới trẻ Anh Quốc phát triển tư duy phản biện thế nào?
Phần lớn giới trẻ Anh Quốc phát triển những kỹ năng này trong các giờ Văn Học hay Lịch Sử.
Khi viết bài, ngoài việc chứng minh rằng họ nắm bắt được các kiến thức đã học, các học sinh
phải đánh giá các thông tin nhận được bằng quan điểm riêng. Ví dụ, ở lớp Lịch Sử của tôi, chúng
tôi đã phải đánh giá tầm quan trọng của một sự kiện lịch sử, và xem xem sự kiện này đã tác động
các sự kiện hay cá nhân khác như thế nào. Khi học văn, chúng tôi đọc một cuốn tiểu thuyết hay
bài thơ nào đó, và giáo viên sẽ hỏi “Các em nghĩ tác giả muốn truyền đạt điều gì qua đoạn văn
này?”, “Vì sao tác giả đã viết điều này?”
Ngoài ra, tranh biện cũng là hoạt động phổ biến tại các trường học. Một lớp sẽ chia ra làm hai
nhóm để bảo vệ các ý kiến đối lập. Ví dụ, một nhóm sẽ nói rằng mùa hè là mùa đẹp nhất, và
nhóm còn lại sẽ nói rằng mùa đông mới là mùa đẹp nhất. Giáo viên có thể chọn bất cứ chủ đề gì,
điều quan trọng ở đây là hoạt động tranh biện giúp học sinh phát triển và giải thích rõ ràng các ý
tưởng của mình. Sau khi tranh biện xong, cả lớp sẽ ngồi lại vớp nhau để tổng kết lại các kỹ năng
đã được rèn luyện. Trong lớp, các học sinh được khuyến khích tham gia phát biểu tích cực.
Ngoài việc nghe giảng, các học sinh phải trình bày lại được các kiến thức đã học một cách tự
nhiên, bằng vốn từ vựng của riêng mình. Phương pháp này giúp rèn luyện khả năng tư duy và
phân tích thông tin.
Để phát triển định hướng, giáo viên sẽ đưa ra các câu hỏi như “Em muốn làm gì sau khi tốt
nghiệp?”,“Em muốn làm gì vào năm 30 tuổi?”, hay “Em muốn đạt được điều gì khi còn đang đi
học?” . Các học sinh sẽ trả lời những câu hỏi này, giải thích về mục tiêu cá nhân và cách đạt
được những mục tiêu đó. Bài tập này sẽ giúp phát triển khả năng lập kế hoạch, tư duy logic, và
cách đạt được mục tiêu hợp lý nhất. Khi đặt ra các kế hoạch cho tương lai, chúng ta tìm ra cách
phát triển bản thân cũng như cách đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, kỹ năng tư duy phản biện không chỉ dừng lại ở các lớp học. Ví dụ, nhóm bạn của tôi
hay thảo luận về các chương trình TV hay các bộ phim chúng tôi đã xem. Khi tiếp xúc với những
người có những ý kiến khác nhau, chúng ta học cách bảo vệ quan điểm cá nhân một cách phù
hợp và thuyết phục.
Cách phát triển kỹ năng này
Nên dùng một số cách khác nhau để phát triển kỹ năng tư duy phản biện. Ví dụ, bên Anh có
những bài tập đọc hiểu yêu cầu các học sinh đọc một văn bản (một bài báo), và tóm tắt lại nội
dung bài với tối đa 50 từ. Bài tập này giúp học sinh đọc nhiều thông tin và lọc ra những ý quan
trọng nhất.
Một cách khác là chơi nhưng trò chơi giải đố. Ở trường, tôi đã chơi trò chơi sau đây:
“Nếu bạn bị kẹt trên đảo hoang một mình và chỉ được phép cầm theo 3 vật dụng, bạn sẽ chọn
những thứ gì?”
Người chơi phải nêu ra 3 vật dụng, và sau đó giải thích mục đích của các món đồ này cho các
học sinh khác. Ví dụ, một học sinh sẽ chọn một chiếc bật lửa (để sưởi ấm), một chai nước (để
uống), và một chiếc điện thoại (để gọi cứu trợ). Để thắng trò chơi này, người chơi phải thuyết
phục cả lớp đồng ý với 3 vật dụng mình đã chọn.
Vì đây là một cách sống, tư duy phản biện cần được phát triển theo thời gian. Hệ thống giáo dục
của chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi “Tại sao?” khiến chúng tôi thường xuyên phải giải thích quan
điểm cá nhân. Thông thường, sẽ không có câu trả lời đúng hay sai trên lớp. Các trường học của
chúng tôi không thường hay dùng sách giáo khoa, và các giáo viên được phép thiết kế các mô
hình học riêng. Khi không bị gò bó bởi các cuốn sách giáo khoa, khả năng tư duy phản biện sẽ
được phát triển. Chúng tôi còn có các môn học như Giáo dục cá nhân hay Xã hội học, nơi chúng
tôi được học về các phẩm chất tốt của một công dân, hay các hành vi ứng xử phù hợp.
Các dự án trên lớp cũng là một phương pháp rèn luyện khả năng tư duy phản biện. Học sinh có
thể chọn một chủ đề, ví dụ môi trường, để thuyết trình trước lớp. Bằng cách này, học sinh sẽ thu
thập các thông tin quan trọng, nêu ra các vấn đề, và tìm cách giải quyết.
Các trường học cần dùng nhiều biện pháp khác nhau để phát triển kỹ năng. Các bài học đa dạng
sẽ làm hệ thống giáo dục thú vị hơn, và các học sinh sẽ tích cực tham gia học hỏi hơn. Điều
quam trọng ở đây là, các học sinh cần được động viên phát biểu ý kiến riêng, và được hướng dẫn
cách giải thích những ý kiến này một cách hiệu quả nhất.
Xem bài gốc tiếng Anh
Dịch bởi : Chieu Dzung Bui Pham
Tác giả: Hannah E.J
Cho e hỏi có phần 2 chưa ạ
ReplyDeleteHi, I really want to subscribe and read your blog posts. เว็บเล่นบาคาร่า
ReplyDelete