Sáng tạo được ví như một cơ bắp!


Bài viết dựa trên thông tin tập hợp từ buổi nói chuyện của Huân tước David Puttnam, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Miến Điện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Huân tước Puttunam, sáng tạo được ví như một cơ bắp. Vì vậy sáng tạo bao gồm những kỹ năng cần rèn luyện chứ không phải là năng khiếu bẩm sinh, hay trời phú. Và để có thể có khả năng sáng tạo người đó cần có khả năng tập trung (focus), có trí tưởng tượng (imagination), có tính hợp tác (collaboration), tính kiên định (tenacity) và khả năng chống chịu (resilience). 






1. Trí tưởng tượng (imagination)


Trí tưởng tượng cho phép con người nhìn thấy những viễn cảnh xa xôi hơn hơn sự thật đang diễn ra trước mắt. Trí tưởng tượng gợi mở cho mỗi cá nhân những ý tưởng để làm việc tốt hơn. Vì vậy theo Huân tước, trí tưởng tượng là điều cốt lõi trong sáng tạo. Và bất cứ ai cùng cần trí tưởng tượng chứ không phải chỉ những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật hay sáng tác. Các nhà khoa học, nhà toán học, những người làm kỹ thuật cũng cần đến sự sáng tạo. Những nhà toán học không thể có sự sáng tạo nếu không có trí tưởng tượng. Một kiến trúc sư không có trí tưởng tượng cũng không thể có sự sáng tạo trong thiết kế.

2. Sự kiên định (tenacity)

Để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần 1.000 giờ để luyện tập công việc mình giỏi nhất. Song để trở thành một nhân vật kiệt xuất, bạn cần phải luyện tập 10.000 giờ cho công việc đó.
Theo David Puttnam, luyện tập là cách duy nhất để một cá nhân bình thường trở thành một người có năng lực sáng tạo mạnh mẽ.

3. Khả năng chống chịu (resilience).

Nếu bạn chọn trở thành một con người sáng tạo, bạn sẽ luôn nhận được sự phán xét, đánh giá từ phía cộng đồng, vì các ý tưởng của bạn thường đi quá những giới hạn thông thường, hoặc khác lẽ thường mà mọi người mong đợi. "Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn biết chấp nhận những sự phán xét đó và vượt qua nó để hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của mình", Huân tước nói.

Theo ông, khi chúng ta nghe những lời chỉ trích thì chúng ta phải tỉnh táo nhận ra đâu là những lời chỉ trích có ích. Ông chia sẻ, khi còn trẻ, Huân tước đã làm việc với người thầy mà ông vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ. Trong quá trình làm việc, người thầy này luôn chỉ trích những tác phẩm Huân tước tạo ra. Điều này đã tạo thành động lực để Davis Puttnam liên tục rà soát lại các tác phẩm của mình và tìm cách làm cho chúng ngày càng tốt hơn. Một lời chỉ trích có ích là lời chỉ trích thúc đẩy bạn phải "đào đi đào lại ý tưởng của mình để tự tìm ra khuyết điểm và tự cải thiện chúng".

4. Sự tập trung (focus)

Yếu tố thứ tư tác động đến năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân chính là môi trường mà các cá nhân đó làm việc. Không phải lúc nào bạn cũng ở trong một môi trường làm việc lý tưởng, vì vậy theo David Puttnam, mỗi cá nhân phải kiểm soát được khả năng tập trung của bản thân trong những môi trường mà đôi khi có thể là bất lợi. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt và không thích ứng với môi trường làm việc, chúng ta sẽ không có khả năng tập trung để tạo ra bất cứ thứ gì mới.

5. Sự hợp tác (collaboration)

Sáng tạo có thể là của cá nhân hay của tập thể.  Một tập thể sáng tạo cũng cần những khả năng như cá nhân sáng tạo. Tập thể sáng tạo có thể tạo ra nhiều sáng phẩm sáng tạo cho công chúng hơn cá nhân sáng tạo, nhưng vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng. Người lãnh đạo cần có tầm nhìn để có thể dẫn dắt được tập thể đó liên tục tạo ra sự sáng tạo. Huân tước cho rằng sức mạnh của năng lượng sáng tạo sẽ được tăng lên vượt trội khi chúng ta kết hợp được sức sáng tạo của tất cả các cá nhân trong một tập thể. Điều này đòi hỏi khả năng lãnh đạo của người đứng đầu. Người lãnh đạo phải thống nhất được tầm nhìn chung của tập thể và khơi gợi cho từng cá nhân vượt lên giới hạn suy nghĩ của mình và kết hợp những ý tưởng nổi bật đó lại.
Trên hết, Huân tước nhấn mạnh: "Để làm được điều đó thì chúng ta phải có niềm tin vào điều mình đang làm, một niềm tin thực sự có căn cứ. Nếu chúng ta không có được lòng tin 100% vào bản thân mình thì đến một ngày nào đó chúng ta sẽ buộc mình phải chấp nhận phán xét của người khác và nằm trong giới hạn mà mọi người đã vạch ra đó".

Chính vì sáng tạo được ví như cơ bắp, nên chúng ta cần kiên trì rèn luyện những kỹ năng trên thì mới có năng lực sáng tạo. Ông David Puttunam chia sẻ "Những người giỏi nhất tôi từng làm việc cùng đều là những người làm việc chăm chỉ. Họ kiên trì làm việc và thực hiện các ý tưởng sáng tạo của bản thân"

Vậy làm thế nào để có thể nuôi dưỡng được sự sáng tạo trong xã hội hay một đất nước?

Ông cho rằng, để có thể có một môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo, người lãnh đạo cần phải chính trực, không tham lam không vì lợi ích cá nhân hay của nhóm lợi ích nào và hoàn toàn không được tham nhũng. Tương tự, để có một dân tộc sáng tạo lãnh đạo cần nhận thức được tầm quan trọng của sự sáng tạo và cần tạo ra môi trường để nuôi dưỡng và làm cho sự sáng tạo phát triển. Sáng tạo sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế, khi kinh tế phát triển thì lại quay lại hỗ trợ lại nền công nghiệp sáng tạo, như vậy nó sẽ tạo thành một vòng tuần hoàn liên tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực (từ Hongkong, đến Singapore, đến hàn Quốc)  cho thấy rõ mối liên hệ này. Và để có thể có nền kinh tế sáng tạo lãnh đạo đất nước cần hiểu và nhận thức và có những chính sách ủng hộ và hỗ trợ thúc đẩy sự sáng tạo trong mọi lĩnh vực và thông qua các chính sách và chương trình tạo ra môi trường nuôi dưỡng tính sáng tạo.


ILLUSTRATION BY CHRIS ROETTGER / TREMENDOUSNESS

Vậy làm thế nào để giáo dục học sinh và thế hệ trẻ sáng tạo?

Chính vì sáng tạo xuất phát từ rèn luyện chứ không phải là khả năng trời phú, nền giáo dục cần phải hỗ trợ, thúc đầy, bồi dưỡng những kỹ năng để hình thành các khả năng để có thể tạo ra sự sáng tạo. Mỗi người thầy cần hiểu rõ các khái niệm và năng lực cần thiết để tạo ra sự sáng tạo, và khuyến khích, bồi dưỡng cho học sinh của mình theo hướng đó. Cần phải loại bỏ quan niệm rằng sáng tạo là khả năng trời phú mà cần hiểu rằng mọi sự sáng tạo đều trên cơ sở học tập, lao động, rèn luyện kiên trì và chăm chỉ. Và ai cũng cần đến sự sáng tạo để liên tục phát triển và làm cho cuộc sống công việc của mình tốt đẹp hơn lên. Sáng tạo bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú. Chính vì thế cha mẹ và thầy cô cần bồi dưỡng và nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú cho trẻ.

Như đã nói ở trên, tất cả mọi người đều cần đến trí tưởng tượng chứ không chỉ những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật hay xã hội. Các nhà khoa học, nhà toán học, những người làm kỹ thuật cũng cần đến sự sáng tạo. Những nhà toán học không thể có sự sáng tạo nếu không có trí tưởng tượng. Một kiến trúc sư không có trí tưởng tượng cũng không thể có sự sáng tạo trong thiết kế. Cuối cùng, những người có sự sáng tạo, có các tác phẩm hay công trình nổi bật đều là những người lao động miệt mài, với sự kiên định, tập trung toàn  tâm toàn ý cho công việc đó, đồng thời có khả năng chống chịu để bảo vệ ý tưởng mục đích của mình với các nhận định, chỉ trích của dư luận, … để vượt qua những áp lực, sự thất bại … Tất cả thày cô giáo và cha mẹ giáo viên cần nhận thức được những điều này và cần bồi dưỡng các kỹ năng để có thể giúp tạo ra một thế hệ học sinh và thế hệ trẻ sáng tạo.

Xin xem thêm hai videos dưới đây.

Tô Kim Liên 
Tổng hợp

Where the good ideas comes from
https://www.youtube.com/watch?v=NugRZGDbPFU
http://www.ted.com/talks/steven_johnson_where_good_ideas_come_from?language=en#
http://tremendo.us/ness/2013/09/19/creativity-is-a-muscle/

Theo CED

1 comments:

 
Blog CED - Vi © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top