Nghiên cứu về thiên nhiên để thêm yêu và bảo vệ thiên nhiên Mỗi loài sinh vật trên trái đất dù to hay nhỏ, số lượng ít hay nhiều, ở vị trí địa lý nào cũng đều có vai trò và chức năng nhất định. Đó cũng chính là nội dung được cuộc thi khoa học quốc tế Global Naturall History Day - GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất) năm nay lấy cảm hứng cho chủ đề “Scales of nature: From micro to macro” (Quy mô của tự nhiên: Từ vi mô tới vĩ mô). 8 dự án của Việt Nam tham gia năm nay đều dành huy chương với 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. (Đoàn Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích cao trong cuộc thi) 3 HCV thuộc về dự án: chiết xuất tinh dầu bạc hà (Wildmint Essence) của tác giả Thái Linh - Bình An (THCS Thực Nghiệm), Cây thủy sinh và tác dụng làm sạch nước của tác giả Đặng Nhật - Châu Giang (THCS Thực Nghiệm), Sử dụng giun quế (perionyx excavatus) để giảm lãng phí rác thải hữu cơ ở nông thôn của tác giả Thanh Thu - Quỳnh Anh (THCS Chu Văn An) và Sự tác động của trà xanh đối với chuột béo Thụy sĩ và sự ứng dụng để giảm tỷ lệ béo phì ở người của tác giả Quý Bảo - Minh Đức (Trường PTLC Olympia). 2 HCB trao cho dự án Nấm xanh của Hoa - Hoàng Anh (THCS Thực Nghiệm) và Nguyên nhân sâu xa của Cháy rừng của Minh - Khôi (THCS Thăng Long). 2 HCĐ trao cho Tác động của biến đổi khí hậu đối với hằn lằn cá sấu ở Việt Nam của Thái Sơn - Ngọc Hiếu và Đánh giá mối nguy hại của loài nấm đối với số lượng cá cóc Việt Nam của Linh Chi - Vân Anh (THCS Thực Nghiệm). Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất (GNHD) là cuộc thi do Quỹ Giáo dục toàn cầu Behring (Behring Global Education Foundation) hỗ trợ tổ chức hàng năm. Cuộc thi cũng là một phần trong Chương trình Giáo dục Lãnh đạo toàn cầu được thiết kế cho đối tượng cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông cho nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hongkong, Singapore, Việt Nam với mục đích khuyến khích học sinh đam mê với khoa học và tích cực tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu. Các thí sinh tham gia cuộc thi có thời gian 3 tháng và trải qua nhiều vòng tuyển chọn cấp trường, cấp khu vực và cấp quốc gia trước khi tham dự vòng chung kết tổ chức ở Trung Quốc. Các vòng tuyển chọn yêu cầu học sinh giới thiệu, trình bày, thuyết trình về dự án bằng nhiều hình thức thể hiện như văn bản, video, bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Biết tới cuộc thi qua thông báo của nhà trường nên quyết định tham gia để trải nghiệm và có thêm kinh nghiệm thực hiện một dự án khoa học nhưng Đặng Châu Giang, học sinh lớp 8 trường THCS Thực Nghiệm, đồng tác giả dự án đạt HCV Cây thủy sinh và tác dụng làm sạch nước cảm thấy còn học được thêm rất nhiều điều. “Tham gia cuộc thi giúp kiến thức về tự nhiên, khả năng tiếng Anh, kĩ năng giao tiếp của em tăng lên rất nhiều. May mắn là em tham gia cuộc thi chủ yếu vào mùa hè nên không ảnh hướng gì đến học tập nhưng em cũng đã học được cách quản lý thời gian tốt hơn”, Giang chia sẻ. (Nhóm Đặng Châu Giang và Đặng Nhật với đề tài Cây thủy sinh và tác dụng làm sạch nước tại tuần chung kết cuộc thi tổ chức ở Trung Quốc) Lý giải về việc chọn đề tài khả năng lọc nước của cây thủy sinh, Giang cho biết ý tưởng bắt nguồn từ việc “thấy nhiều ao, hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm quá nên muốn làm gì đó để có thể làm giảm tình trạng này”. Vụ việc cá chết hàng loạt ở nhiều hồ tại Hà Nội năm 2016 cũng là một sự việc thôi thúc Giang và người bạn Đặng Nhật quyết định chọn nghiên cứu đề tài này. Còn với Đặng Thái Sơn (12 tuổi), thành viên Việt Nam nhỏ tuổi nhất và cũng là lần đầu tiên tham gia thì cuộc thi đối với em như một trải nghiệm đáng nhớ. “Em vốn thích động vật nên cuộc thi này là một cơ hội để em thỏa sức đam mê của mình. Em chọn nghiên cứu con thằn lằn cá sấu cũng bởi đây là loài vật sắp tuyệt chủng và em muốn thông qua cuộc thi này, nhiều người sẽ biết tới chúng hơn và sẽ bảo vệ chúng”, Sơn chia sẻ. Sơn tuy là cậu bé ít tuổi nhất đoàn nhưng luôn tỏ ra chu đáo khi chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ kĩ càng và thức dậy thật sớm mỗi sáng trong thời gian tham gia cuộc thi ở Trung Quốc. Anh trai của Sơn - Đặng Vũ Minh là người truyền cảm hứng cho em trai khi năm ngoái cũng đã tham gia cuộc thi này và đã cùng đồng đội giành huy chương vàng với đề tài “Bảo tồn Vọoc Chà vá Chân Nâu tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng”. (Thái Sơn (giữa) và bạn Ngọc Hiếu chụp ảnh cùng ban giám khảo trong tuần chung kết cuộc thi) Bà Tô Kim Liên - đại diện đoàn Việt Nam tham gia GNHD và cũng là thành viên ban giám khảo chia sẻ “Các chủ đề của các đội thi năm nay rất thú vị và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. So với cuộc thi năm ngoái, năm nay nhiều dự án trong vòng chung kết chất lượng cao hơn năm ngoái về nội dung, phương pháp tiến hành, khả năng thuyết trình và thuyết phục của các nhóm cũng rất tốt. Năm nay, những tiêu chí về tính thực tiễn của các dự án, các giải pháp và đề xuất do học sinh đưa ra, cũng như những kỹ năng thể hiện vai trò lãnh đạo của các nhóm dự thi được ban giám khảo đánh giá cao”. Đây là năm thứ hai Việt Nam tham gia cuộc thi này. Tham gia cuộc thi, học sinh không chỉ được học hỏi thêm về nghiên cứu khoa học, hiểu về thiên nhiên, đa dạng sinh học mà còn được rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, tu duy phản biện. Trong suốt thời gian tham gia cuộc thi, học sinh được các thầy cô giáo, cha mẹ và các nhà khoa học giúp đỡ, hỗ trợ về chuyên môn và tạo điều kiện nghiên cứu tại thực tế. Những trải nghiệm về văn hóa, sự đa dạng, tình hữu nghị và kỉ niệm đáng nhớ tại tuần chung kết cuộc thi cũng là một điều đặc biệt, ấn tượng với các em học sinh. Một số hình ảnh trong tuần chung kết của cuộc thi. (Các học sinh giao lưu văn hóa trong tuần chung kết của cuộc thi) (Học sinh tham quan ngoài thực địa) (Học sinh chuẩn bị trưng bày các sản phẩm thuyết trình) (Chứng nhận đối tác chính thức của GNHD dành cho Trung tâm Giáo dục và Phát triển) Xem thêm video tổng hợp về cuộc thi. Xem thêm video giới thiệu các dự án của đội tuyển Việt Nam. http://giaoducphattrien.com/nghien-cuu-ve-thien-nhien-de-them-yeu-va-bao-ve-thien-nhien/ Nghiên cứu về thiên nhiên để thêm yêu và bảo vệ thiên nhiên Mỗi loài sinh vật trên trái đất dù to hay nhỏ, số lượng ít hay nhiều, ở vị trí địa lý nào cũng đều có vai trò và chức năng nhất định. Đó cũ... Read more » 00:01