HÀNH TRÌNH ĐƯA THÔNG TIN VỀ LOÀI VỌOC CHÀ VÁ CHÂN NÂU ĐẾN VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ

Thông tin về cuộc thi:
Cuộc thi khoa học Global Natural History Day – GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất) là cuộc thi do Quỹ Giáo dục toàn cầu Behring (Behring Global Education Foundation) hỗ trợ tổ chức hàng năm.  Cuộc thi này là một phần trong Chương trình Giáo dục Lãnh đạo toàn cầu được thiết kế dành cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, nhằm thu hút và khuyến khích những học sinh có niềm đam mê với khoa học và muốn tham gia các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên trên toàn thế giới. Chủ đề cuộc thi năm nay là“ Mối quan hệ trong thiên nhiên” và cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc thi quốc tế cùng với 98 đội thi đến từ 10 quốc gia (trong đó có 90 đội tham gia triển lãm - exhibits và 8 đội biểu diễn - performance). Nhóm Đặng Vũ Minh (9A) và Đào Nhật Minh (8A), học sinh tại trường THCS Thực Nghiệm là 1 trong ba nhóm dự thi năm nay của Việt Nam, nghiên cứu về Bảo tồn Vọoc Chà vá Chân Nâu tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Sau khi giành được huy chương vàng từ cuộc thi, hai bạn đã chia sẻ về quá trình tham gia cuộc thi này và những cảm nhận của mình.
Thông tin về GNHD có thể thấy tại đây: http://www.gnhd.international/  
Hình ảnh về cuộc thi năm nay tại đây: https://www.facebook.com/gnhdinternational/  

CHƯƠNG I : CHUẨN BỊ
Vì là năm thi đầu tiên và nhóm chúng em bận với thi học kỳ (Đào Nhật Minh) và thi vào lớp 10 (Đặng Vũ Minh), thời gian chuẩn bị cũng không có nhiều, các cô chú ở Bảo tàng Thiên nhiên đã giúp gợi ý một loạt chủ đề nghiên cứu về thực vật nhưng chúng em không mấy hứng thú với các chủ đề về thực vật. Sau đó chúng em được Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) giới thiệu một số chủ đề về động vật, trong đó có chủ đề liên quan đến Vọoc chà vá chân nâu. Lần đầu tiên chúng em được nghe đến tên loài Vọoc này và chúng em bắt đầu tìm hiểu thông tin qua internet và báo chí. Chúng em bắt đầu thấy thích thú và bắt đầu quan tâm, nhất là đến khi biết đây là một trong những loài linh trưởng được cho là đẹp nhất hành tinh (còn được gọi là Vọoc ngũ sắc) và chỉ có ở ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Cam Pu Chia). Theo các thông tin có được thì số lượng nhiều nhất lại xuất hiện ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Điều thú vị là, cả hai chúng em đã đi du lịch Đà Nẵng nhiều lần, đã học về môi trường, cũng đã đi thăm các khu vườn quốc gia và các khu bảo tồn, nhưng chỉ đến khi bắt đầu nghiên cứu này chúng em mới biết đến loài linh trưởng quý hiếm và rất đẹp này.

"Primate guys" mang vàng trở về từ cuộc thi khoa học Global Natural History Day 2016, ảnh chụp tại sân bay Nội Bài ngày 22/7/2016
Sau khi tìm hiểu thông tin qua internet, dự án nghiên cứu của chúng em bắt đầu gặp khó khăn, vì thông tin về loài Vọoc này hầu như không có nhiều. Chúng em liên hệ bảo tàng, thư viện, các vườn quốc gia … hầu như không có thông tin gì về loài Vọoc này. Trên Internet chỉ có các thông tin mô tả về loài này từ các tổ chức về bảo tồn, ví dụ như Hiệp Hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature – IUCN), ghi trong sách đỏ của quốc tế và Việt Nam.

Khi tìm thông tin tiếng Việt thì chỉ tìm thấy hàng loạt bài báo về các vụ phá rừng tại bán đảo Sơn Trà hồi đầu năm và gắn với các bài viết của Trung tâm Bảo tồn Sinh học Nước Việt (GreenViet) vì phá rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với loài Vọoc này. Chúng em tiếp tục tìm hiểu thêm thì thấy GreenViet là có nhiều thông tin nhất về loài này và các thông tin thứ cấp mà chúng em có được chủ yếu từ GreenViet. Cho đến nay, dường như chỉ có GreenViet có những nghiên cứu về loài này và có những hoạt động để theo dõi và bảo vệ loài này. Sau quá trình tìm kiếm thông tin, chúng em bắt đầu hình thành các mục tiêu, câu hỏi và phương pháp tiến hành cho phần nghiên cứu thu thập thông tin sơ cấp của chúng em. Nghiên cứu tập trung vào hai câu hỏi chính:
  • Vụ phá rừng tại Sơn Trà năm 2016 vừa qua có tác động gì đến loài vọoc chà vá chân nâu?
  • Là học sinh, liệu chúng em có thể làm gì để cùng bảo vệ loài Vọoc quý hiếm này?
Chúng em bắt đầu lên kế hoạch đi quan sát và thu thập thông tin tại bán đảo Sơn Trà. Chúng em thiết kế các bảng hỏi phỏng vấn, thu thập thông tin, quan sát… và lên kế hoạch đi thực địa tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Và chuyến đi của chúng em thực hiện từ ngày 25-29 tháng 6 năm 2016.

CHƯƠNG I : TĂNG TỐC
Nhờ sự giúp đỡ của CED, chúng em đã rất may mắn được gặp và làm việc với chú Trần Hữu Vỹ, giám đốc GreenViet.  Chúng em đã đến văn phòng GreenViet ngay sau khi đặt chân đến Đà Nẵng. Được chú Vỹ trao đổi và chia sẻ các thông tin chung về loài Vọoc này, những hoạt động mà GreenViet đã và đang làm trong những năm qua, chú còn giới thiệu chú Bùi Văn Tuấn, chuyên gia nghiên cứu về Vọoc.  Những phần giới thiệu rất hay và say sưa của chú và các đồng nghiệp gây ấn tượng mạnh với chúng em về sự say mê và tâm huyết với các công việc bảo tồn để bảo vệ và phát triển những loài thú quý hiếm còn sót lại ở Việt Nam. Chúng em cảm nhận niềm vui của chú khi chỉ cho chúng em những cuốn sách mà Vọoc được in trên trang bìa, và những nỗ lực của các cô/chú bắt đầu làm cho chính quyền và các cơ quan ở Đà Nẵng quan tâm.


Nghe chú Vỹ, Giám đốc giới thiệu về GreenViet 
Chú Vỹ rất tự hào vì ảnh Vọoc được dùng làm ảnh vìa của báo cáo khoa học quan trọng nhất về đa dạng sinh học
Tại văn phòng GreenViet


Chụp cùng các sản phẩm nhằm gây quỹ bảo tồn loài Vooc của GreenViet
Sau khi thăm văn phòng GreenViet chúng em được chú dẫn đi quan sát và tìm hiểu về Vọoc ở bán đảo Sơn Trà và tham gia hành trình: Tôi yêu Sơn Trà, được Greenviet tổ chức vào Chủ nhật hàng tuần. Chúng em tham gia cùng với khoảng 12 người khác nữa, chủ yếu là người dân sinh sống tại Đà Nẵng. Dù đã được xem ảnh Vọoc Chà Vá chân nâu qua ảnh, chúng em cũng vẫn không khỏi ngạc nhiên vì vẻ đẹp thực sự của loài Vọoc này khi quan sát bên ngoài. Vì biết chúng em đang nghiên cứu về loài này chuẩn bị cho cuộc thi GNHD, chú đã ưu ái và chở xe máy và đưa chúng em đi tìm Vọoc và quan sát và cung cấp nhiều thông tin trong suốt chuyến đi. Chúng em cảm nhận được sự say mê và tình yêu của chú đối với loài Vọoc này. Em không thể quên được, hình ảnh chú thất vọng và thương đàn Vọoc thế nào khi có xe ô tô chạy qua và dừng - nổ máy đột ngột làm một đàn Vọoc gần đường giật mình, sợ và chạy mất.

Ngày hôm sau, chú còn giành thêm thời gian chia sẻ và trả lời các câu hỏi mà chúng em đặt ra cho nghiên cứu của mình. Sau đó chúng em lại được quay lại quan sát các đàn Vọoc một lần nữa cùng với một nhóm khách đến từ Hà Nội. Và lần này có vẻ như chúng em may mắn hơn, đã quan sát được thêm nhiều đàn Vọoc trong suốt dọc đường đi.
Tham gia hành trình "Tôi yêu Sơn Trà cùng GreenViet
Quan sát Vọoc tại Sơn Trà
Cùng các  anh/chị tình nguyện viên và cán bộ GreenViet thu dọn rác làm sạch môi trường trong hành trình trải nghiệm "Tôi Yêu Sơn Trà"
Phỏng vấn chú Vỹ, Giám đốc GreenViet sau chuyến đi trải nghiệm tại thực địa
Chuyến đi 5 ngày, chúng em thu thập được nhiều thông tin cho nghiên cứu của mình. Điều làm chúng em hơi ngạc nhiên là, một loài Vọoc vô cùng quý hiếm và có nhiều ở Việt Nam nhưng lại có rất ít người quan tâm và nghiên cứu về loài này. Chúng em đã gặp những người sống ở Đà Nẵng trong hành trình: Tôi yêu Sơn Trà và cũng ngạc nhiên không kém khi biết chính họ, sống ở Đà Nẵng mà cùng hầu như chưa biết về loài linh trưởng này cũng như các giá trị của nó đem lại cho khoa học và môi trường cho đến khi tham gia hành trình: Tôi yêu Sơn Trà của GreenViet.

Kết thúc hành trình, chúng em cũng cảm thấy lo lắng là một ngày nào đó loài Vọoc này sẽ biến mất và ta chỉ còn nhìn thấy chúng qua ảnh. Phát triển du lịch làm mất rừng, phá rừng vẫn tiếp diễn, người dân săn bắt để nấu cao và làm khô Vọoc, làm cảnh, Vọoc bị tai nạn giao thông khi băng qua đường, Vọoc chết khi ăn phải rác thải, thức ăn thừa khách du lịch vứt ra ….. là những nguy cơ mà chúng em được nghe kể và được nhìn tận mắt. Không hiểu các cô/chú và anh/chị tại GreenViet có đủ sức bảo vệ chúng không? Vì thế chúng em vô cùng biết ơn các cô chú và anh chị đang làm việc và tình nguyện ở GreenViet đã có nhiều hoạt động để bảo vệ loài này cho thế hệ tương lai. Chúng em thấy rõ sự tận tâm và nhiệt huyết và tình yêu thiên nhiên của chú Vỹ và các đồng nghiệp với các anh chị tình nguyện viên tại GreenViet và chúng em được truyền cảm hứng và bắt đầu cảm thấy thích thú với đề tài của mình và có quyết tâm rõ ràng hơn để hoàn thành nghiên cứu của mình một cách tốt nhất để chia sẻ với ban giám khảo, bạn vè và cuộc thi những phát hiện thú vị về loài Vọoc này.

Đây là những hình ảnh những chú Vọoc, chúng em quan sát và chụp được trong chuyến đi:
Vooc ở ngoài thiên nhiên thật đẹp, những khoảnh khắc chụp được các chú Vooc trong thiên nhiên tại Sơn Trà
Sau chuyến đi, chúng em còn gần ba tuần để hoàn thành báo cáo, viết bài trình bày và xây dựng nội dung để giới thiệu qua bảng triển lãm trong cuộc thi. Những công việc tưởng như đơn giản, tổng hợp thông tin, kết quả, tóm tắt, kết luận và trình bày … nhưng hóa ra lại ngốn nhiều thời gian đến thế. Một phần đây là lần đầu tiên làm nghiên cứu, chúng em còn ít kinh nghiệm nên còn bỡ ngỡ. Vì thế nếu không có sự hỗ trợ và thúc giục từ cô giáo hướng dẫn chúng em: cô Nguyễn Thị Mai Hương và các mẹ thì chúng em không thể hoàn thành đúng hạn để tham gia cuộc thi. Và cuối cùng là lên ý tưởng và thiết kế bảng triển lãm, nếu không có sự hỗ trợ của anh Nguyễn Tiến Thành (cán bộ CED) giúp đỡ hoàn thiện bản thiết kế maket  thì chắc chắn chúng em sẽ không kịp để đến cuộc thi tại Thượng Hải.  Có những hôm chúng em cùng nhau làm việc từ sáng đến 8-9 giờ tối.

CHƯƠNG III : CÁN ĐÍCH - Primate guys
Và cuối cùng chúng em cũng hoàn thành và ngày lên đường đã tới. Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến đi từ ngày 21-27 tháng 7 năm 2016:
Ngày 21/7/2016 lên đường từ sân bay quốc tế Nội Bài
Đăng ký tại cuộc thi Global Natural History Day - GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất) tại Thượng Hải - Ngày 22 /7/2016
Bồn chồn đợi đến lượt thi tại Bảo tàng Khoa học & Kỹ thuật Thượng Hải - Ngày 23/7/2016 
Góc triển lãm của nhóm các bạn Đặng Vũ Minh và Đào Nhật Minh tại cuộc thi - Ngày 23/7/2016
Hai nhóm đến từ trường THCS Thực Nghiệm cùng cô giáo hướng dẫn trong ngày nhận giải 26/7/2016
Giây phút đăng quang, hai nhóm Việt Nam khoảnh khắc được trao huy  chương vàng - Ngày 26/7/2016
Chụp ảnh cùng Ông Kenneth Behring, người sáng lập và hiện là chủ tịch Quỹ Giáo dục Toàn cầu - Ngày 26/7/2016
Ban giám khảo và các bạn cùng thi cũng như các cô giáo từ các nước cũng rất quan tâm và hỏi nhiều thông tin về dự án nghiên cứu của chúng em và có rất nhiều câu hỏi thú vị như: Đây có phải là loài có họ hàng với khỉ không? Nó có ở những nơi nào? Nó có nguy cơ bị tuyệt chủng không? Nó có phải là loài quý hiếm không? Thế người ta săn bắt loài này để làm gì? … Và hầu hết đây là lần đầu tiên họ được biết đến loài linh trưởng này. Một số bạn và ban giám khảo còn gọi chúng em là các cậu Vọoc (primate guys).

TRẢI NGHIỆM VÀ THU HOẠCH
Tham gia dự án nghiên cứu này chúng em cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, những lúc khó khăn và hơi chán nản (khi tìm thấy ít thông tin từ tài liệu tham khảo, tóm tắt tài liệu tham khảo và dịch ra tiếng Anh các phần tóm tắt đó là công việc đôi khi hơi chán). Cảm giác thích thú khi đi thực địa và cảm giác sung sướng khi nhìn thấy tận mắt loài linh trưởng đẹp này. Cảm giác áp lực khi gần đến ngày đi mà còn quá nhiều việc cần hoàn thành. Cảm giác hồi hộp lo âu một chút trong ngày thi, và cảm giác hồi hộp đợi chờ kết quả cuộc thi và cuối cùng là niềm vui sướng hân hoan khi thấy tên mình trong danh sách các nhóm đạt huy chương vàng (golden awards).

Đây là một cuộc thi rất hay và chúng em đã học được rất rất nhiều từ khi tham gia cuộc thi này. Đúng như ban giám khảo và ban tổ chức đã nhấn mạnh trong suốt cuộc thi, tất cả các thí sinh tham gia vòng chung kết toàn cầu đều là người chiến thắng! Các dự án dự thi đều là các dự án xuất sắc và lọt qua các vòng thi tổ chức tại các quốc gia tham gia (cấp trường, cấp vùng hay quốc gia). Vì thế, các phần thi của các bạn đến từ các nước cũng rất hay, nội dung phong phú, phương pháp thực hiện khoa học và cách trình bày và thể hiện trong triển lãm (exhibits) thì vô cùng sáng tạo và ấn tượng. Chúng em đã học hỏi được nhiều từ các dự án nghiên cứu của các bạn đến từ 90 đội từ 10 quốc gia khác nhau.

Chúng em đặc biệt ấn tượng với các dự án nghiên cứu của bạn đến từ Mỹ và Hồng Công vì phương pháp tiến hành nghiên cứu rất khoa học, cách thể hiện và công nghệ áp dụng trong triển lãm rất sáng tạo và khả năng trình bày lưu loát, hết sức tự nhiên về các dự án của mình với ban giám khảo và bạn bè. Qua cuộc thi, chúng em đã học được rất nhiều kỹ năng: Kỹ năng nghiên cứu và các bước tiến hành một nghiên cứu khoa học; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng tổng hợp và phân tích thông tin; Kỹ năng giao tiếp và rất nhiều kỹ năng khác nữa trong suốt hành trình từ khi nghiên cứu đến khi tham gia cuộc thi tại Thượng Hải.

LỜI CÁM ƠN
Nhờ có cơ hội hiếm có này, chúng em đã được tiếp cận với văn hóa các nước và làm bạn được với rất nhiều bạn cùng lứa tuổi đến từ 10 quốc gia, đó là những cảm giác tuyệt vời nhất chúng em từng có cho đến nay. Chúng em xin cảm ơn cô Hương đã hướng dẫn và hỗ trợ chúng em trong suốt chuyến đi như mẹ của chúng em. Cảm ơn bố mẹ đã tạo điều kiện cho chúng em tham gia và các cô/chú, anh/chị ở CED đã giúp đỡ và hỗ trợ trong suốt thời gian chúng em thực hiện dự án này. Đặc biệt, chúng cháu xin cám ơn chú Trần Hữu Vỹ, cán bộ và tình nguyện của GreenViet đã giúp chúng cháu có thêm thật nhiều thông tin cho nghiên cứu và hình ảnh sử dụng cho exhibit. Sự tận tâm và nhiệt tình của chú đối với công việc bảo tồn làm chúng cháu cảm thấy có trách nhiệm hơn với môi trường và sẽ vận động nhiều bạn cùng tham gia. Chúng cháu đã học được thêm rất nhiều điều thú vị trong quá trình nghiên cứu, đã hiểu nhiều hơn về loài linh trưởng quý hiếm này và sẽ cố gắng hết sức để cùng GreenViet bảo vệ chúng.

Hà Nội ngày 7 tháng 8 năm 2016

By 

  • Đặng Vũ Minh (hiện nay là học sinh lớp 10N2 Nguyễn Tất Thành)
  • Đào Nhật Minh (hiện nay là học sinh lớp 9A Thực Nghiệm)


THÔNG TIN BÊN LỀ :

Đây là lần đầu tiên đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế này và thật thú vị cả hai nhóm được huy chương vàng đều đến từ trường Thực Nghiệm và trường Nguyễn Tất Thành là hai trong số các trường  đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Phát triển (CED) đã tiến hành những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, và câu lạc bộ khoa học trong vài năm qua. (xem thêm http://www.traihehanoi.com  ) .

Những kết quả bước đầu đáng khích lệ này một lần nữa cho thấy tính đúng đắn của việc lồng ghép các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, câu lạc bộ khoa học vào chương trình học chính khóa là cần thiết và cấp thiết để bù đắp những lỗ hổng kỹ năng, kiến thức mà các em học sinh chưa kịp thu nhận được từ chương trình học hiện này do nhiều lý do khác nhau.

Thông qua những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Câu lạc bộ Khoa học, ... hoàn toàn bằng tiếng Anh với các giảng viên tình nguyện quốc tế giúp các em phát triển tư duy lo gic và tư duy phê phán, phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học dựa trên bằng chứng,... và kỹ năng thuyết trình đặc biệt là thuyết trình bằng tiếng Anh với các phương tiện trợ giúp hiện đại là những kỹ năng mà học sinh Việt nam còn thiếu hiện nay. Đây là có thể là hướng đi đúng đắn giúp học sinh Việt Nam phát triển kiến thức và kỹ năng mềm hội nhập được với quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

MỘT SỐ TIN, BÀI LIÊN QUAN

BÁO CHÍ


Theo Blog CED


9 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. xem danh sách khách sạn 3 sao ở đà lạt khi đến tìm hiểu loài vọoc ở Lâm Đồng

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. I must say, I thought this was a pretty interesting read when it comes to this topic. chips999

    ReplyDelete
  5. Keep up the great work, I read few blog posts on this site and I conceive that your web blog is real interesting and holds circles of fantastic info. เล่นบาคาร่า ให้ได้เงินทุกวัน

    ReplyDelete
  6. Your writings and news are really interesting to me. There are numerous advantages to the contents. Thank you so much. My site:: ole777 mobile

    ReplyDelete

 
Blog CED - Vi © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top